-
Phần 3
Ngày 21 tháng 7 năm 1969, Armstrong lên con tàu vũ trụ “Apollo 11” và sau đó đặt chân lên Mặt trăng. Ông ấy đã phát biểu như sau: “Đây chỉ là bước đi nhỏ bé của một con người nhưng lại là một bước tiến lớn đối với nhân loại”.
Mấy ngày nay, cả thế giới liên tục đưa tin về sự kiện vĩ đại kia. Lúc Ôn Địch đang học về hằng số hấp dẫn thì cũng nghe được tin tức ấy trên đài truyền hình.
Cô vừa nhoài người xoa bóp cánh tay, trong lòng vừa cảm thấy kích động đến mức nổi cả da gà.
Cô lao nhanh ra con đường nhỏ, chặn xe đạp đang chạy của Trần Gia Hữu lại, cậu thiếu niên phanh gấp, thiếu chút nữa cả hai người đều ngã nhào về phía trước.
“Gia Hữu, cậu biết tin gì chưa? Cậu biết tin gì chưa?”. Cô gái nhỏ háo hức hỏi người trước mặt.
Trần Gia Hữu đứng thẳng người dậy, vuốt lại mái tóc có chút rối của cô, rồi nói: “Tớ biết rồi, Ôn Địch”.
Kể từ khi sinh ra, con người chưa bao giờ ngừng tò mò và khám phá thế giới vô tận ở ngoài kia. Ôn Địch ngẩng đầu nhìn bầu trời cao bao la, máu trong cơ thể cô dần sôi sục. Tất cả những điều đó đã thu hút Ôn Địch rất nhiều, cô muốn hiểu về vũ trụ kia, muốn nói chuyện với nó, muốn biết những thứ tồn tại ngoài đó mà con người còn mãi đặt một dấu chấm hỏi lớn.
Ôn Địch muốn dành cả cuộc đời mình cho vũ trụ. Cũng giống như anh Phương Nhân những năm tháng ấy vậy.
Số học sinh ngồi trên ghế nhà trường ngày một giảm đi. Những người khá giỏi thường chọn vào các trường trung cấp, tốt nghiệp xong sẽ được nhà nước chi trả, thu nhập cũng ổn định. Chuyện này cứ vậy mà lặp đi lặp lại nên dường như nó đã trở thành một sự lựa chọn mặc định sẵn. Chính vì thế mà giáo viên nhiều lần khuyên ngăn Ôn Địch, bảo cô suy nghĩ lại về việc thi vào đại học. Song cô vẫn nhất quyết với lựa chọn của mình.
“Trường bình thường không có Khoa Thiên Văn ạ”. Ôn Địch nghiêm túc nói: “Cô à, em sẽ học thiên văn”.
“Học thiên văn sao?”. Cô giáo nổi giận: “Học mấy cái hành tinh rồi đến ngôi sao đó là xới được cơm ăn mỗi ngày à?”.
“Không”. Ôn Địch lắc đầu nhẹ, rồi nói: “Cô à! Đối với em, lý tưởng quan trọng hơn việc ăn no mặc ấm”.
Chính vì vậy, người nhà Ôn Địch thường xuyên bị mời đến trường nói chuyện, cha cô cũng rất phản đối cái lý tưởng vớ vẩn đó. Không thể thuyết phục được ai, Ôn Địch đành phải dùng cách tuyệt thực để đổi lấy ước mơ của mình. Ban đêm, có người thường xuyên ném đá qua cửa sổ phòng, trước kia là cửa sổ sắt, nay đã đổi sang cửa trượt. Ôn Địch mặc thêm quần áo rồi rón rén trèo ra.
Trần Gia Hữu nhanh nhẹn mở hộp cơm giấu trong tay, đưa cái bánh bao nóng hổi cho Ôn Địch. Cô đã ở trong phòng được hai ngày rồi, đói đến mức chỉ với hai phát cắn là có thể ăn hết cái bánh.
“Ăn từ từ thôi, coi chừng bị nghẹn”. Tay trái Trần Gia Hữu đưa nước, còn tay phải thì vuốt lưng cho cô.
Ôn Địch nhai hết đồ ăn trong miệng rồi mới nói: “Tớ cảm thấy rất buồn, chẳng ai ủng hộ lý tưởng của tớ cả, bạn bè rời xa, gia đình bỏ mặt, còn tương lai thì không thấy ở đâu”.
Trần Gia Hữu mỉm cười an ủi. Dạo gần đây tâm tình của Ôn Địch không tốt, đầu tóc cũng rối tung. Anh đưa tay ra nhẹ nhàng vuốt lại mái tóc ấy, sau đó khéo léo tết tóc thành một bím nhỏ. Từ lúc sinh ra cho đến nay, Trần Gia Hữu đều dịu dàng như thế.
“Xong rồi”. Trần Gia Hữu mỉm cười, cầm lấy sợi chun buộc tóc của Ôn Địch, tay chỉ lên bầu trời đêm, nói: “Khi buồn thì hãy nhìn lên những vì sao sáng đó. Nhìn xem, mấy ngôi sao sáng kia có phải là chòm sao Bắc Đẩu không?”.
Ôn Địch ngước mặt lên nhìn theo ngón tay của anh, sau đó cười khây khẩy: “Đồ ngốc, đó không phải là sao Bắc Đẩu, mà nó có tên là Thiên Cầm Alpha, hay còn gọi là sao Chức Nữ, còn bên cạnh nó là sao Ngưu Lang ấy”.
“Tớ cũng đâu hiểu hết được”. Trần Gia Hữu thở phào khi thấy Ôn Địch vui vẻ: “Dù sao trông cũng rất đẹp. Ôn Địch này! Hãy cố gắng theo đuổi giấc mơ của cậu và sống một cuộc sống mà cậu muốn có nhé!”.
Sáng hôm sau, khi cha mẹ cô vừa mở cửa nhà ra thì thấy Ôn Địch đang quỳ ở đấy. Cô khoác một chiếc áo bông màu trắng, nặng nề dập đầu liên tục, cũng không nói lời nào.
Lúc đó, mới bước vào mùa xuân ở Bắc Kinh, gió thổi se se lạnh, lũ chim sẻ đậu dưới mái hiên hoảng hốt bay đi bởi tiếng động phát ra từ ngôi nhà nhỏ.
Mẹ của Ôn Địch chịu không nổi đã khóc lớn, cha cô thì đấm một cái mạnh lên chiếc cửa vô tội, ông tức giận đến mức run rẩy cả người, sau đó như lặng đi, nói: “Khi con được một tuổi, ông nội con nói rằng không thể giữ chân đứa bé này ở chốn đây. Thôi, con muốn làm gì thì làm đi”.
Năm đó, Ôn Địch và Trần Gia Hữu đã mười bảy tuổi. Mỗi ngày cô đều cùng anh đạp xe đến trường, thỉnh thoảng ăn những chiếc bánh hoa quế mới ra lò ở cửa tiệm quen thuộc. Đường phố Bắc Kinh bấy giờ đã có nhiều người nước ngoài, đa phần là người da trắng mắt xanh đến để đi du lịch. Lúc này, họ cũng nhận thức được bản thân đã bước đến những ngã rẽ của cuộc đời mình.
Ngày khai giảng cấp ba, sau giờ tan học, Ôn Địch không tìm thấy Trần Gia Hữu trong lớp, thế là cô đi đến thư viện một mình để mượn vài quyển sách. Ôn Địch rất vui vì cuối cùng cũng mượn được cuốn sách mà cô đợi bấy lâu nay. Đêm hôm đó, cô nghe thấy tiếng đá rơi bên ngoài cửa sổ, đó là ám hiệu của cô và Trần Gia Hữu. Ôn Địch nhanh nhẹn đứng dậy mặc thêm quần áo rồi trèo ra ngoài.
Trần Gia Hữu đẩy xe đạp, đứng ở bên ngoài đợi, nhìn thấy cô liền đưa tay lên miệng “Suỵt” một tiếng, Ôn Địch gật đầu tỏ vẻ hiểu ý rồi lặng lẽ đi theo. Cuối cùng, hai người dừng trước cổng nhà anh Phương Nhân.
Trần Gia Hữu chống chân xe đạp xuống, cả hai ngồi xuống chỗ cũ như một thói quen. Bầu trời đầy sao trông thật đẹp, Trần Gia Hữu im lặng một lúc lâu rồi mới lên tiếng: “Ôn Địch, tớ không định học tiếp nữa”.
Cô không quá ngạc nhiên, vì xung quanh đã có nhiều người bỏ học rồi đi lao động. Tuy kinh tế của gia đình Trần Gia Hữu không quá eo hẹp, nhưng có lẽ đối với việc học hành, cậu lại không hứng thú. Nghĩ đến đây, Ôn Địch gật đầu rồi bình tĩnh hỏi lại: “Cậu suy nghĩ kỹ chưa?”.
“Rồi, tớ sẽ không thay đổi”. Trần Gia Hữu mỉm cười. Sau đó, anh lấy trong túi ra mấy viên sỏi, ném ném cho vui tay. “Tớ muốn nhập ngũ”, giọng nói thốt lên đầy bình thản.
Bấy giờ Ôn Địch mới kinh ngạc, cả người cứng đờ đi: “Trở thành quân nhân sao?”.
“Đúng vậy”, Gia Hữu cười ngượng, cầm chặt viên sỏi trong tay. “Không phải anh Phương Nhân luôn dạy chúng ta phải trở thành người có ích cho xã hội sao? Tớ muốn trở thành một người lính bảo vệ cho gia đình và đất nước. Cậu có nhớ lần đó, anh ấy đưa bọn mình đến Quảng trường Thiên An Môn để xem lễ hạ cờ không? Từ lần đó tớ đã nghĩ rằng mình phải trở thành một người lính”.
“Vậy cậu đã bàn bạc với gia đình chưa?”.
“Rồi, tớ đã nói với cha mẹ rồi, mọi người cũng rất ủng hộ tớ, họ cảm thấy rằng đàn ông tốt nhất nên đi theo con đường đó, nếu ở nhà cả đời thì thật quá mất mặt”.
Hết bất ngờ này lại đến bất ngờ khác khiến cô khó lòng chấp nhận: “Ý cậu là, cậu không ở Bắc Kinh nữa?”.
“Thật ra thì, tớ muốn đến miền Tây, chỗ đó điều kiện khắc nghiệt nên ít người sẵn sàng đi. Tớ nghĩ như vậy sẽ ý nghĩa hơn, cũng như là tự thử thách và rèn luyện bản thân”.
“Vậy… khi nào cậu đi?”.
“Không biết nữa, hồi nghỉ hè tớ đã báo danh, kiểm tra sức khỏe cũng làm xong. Ước chừng giấy báo nhập ngũ cũng sẽ gửi lại sớm thôi”.
Ôn Địch cúi đầu, thật lâu sau mới nhẹ giọng nói tiếp: “Cậu có thể đưa tớ đến quảng trường Thiên An Môn không? Chúng ta cùng xem lại lễ thượng cờ”.
Sáu giờ sáng, sương mù vây kín bầu trời Bắc Kinh, trên quảng trường có mấy hàng quân nhân xếp thẳng tắp. Ôn Địch cùng Trần Gia Hữu hòa mình trong đám đông. Sương lạnh rơi trên mái tóc óng mượt của cô, anh nhẹ nhàng phủi nó tan đi. Người dân xung quanh chăm chú nhìn những chàng lính đeo găng tay trắng, cầm lá cờ đỏ rồi từ từ phất cao. Đột nhiên, Trần Gia Hữu nắm chặt lấy tay Ôn Địch. Lá cờ đỏ dần được kéo lên cao, bàn tay anh dần nóng như lửa đốt xen lẫn đôi chút run rẩy. Trái tim Ôn Địch bỗng trở nên dịu dàng, cô ngẩng cao đầu, lòng thầm nói: “Anh Phương Nhân, nếu như anh còn sống, chắc chắn anh sẽ rất tự hào về bọn em”.
Hai người họ đang làm theo lời anh đã dạy, tự bước đi trên con đường đời của riêng mình. Khó khăn và trập trùng đang chờ họ phía trước. Chính cô, cậu nhóc ấy phải biết biến bụi gai nhọn thành tường vi nở rộ.
Trên đường trở về nhà, Ôn Địch một hai đòi chở Trần Gia Hữu, còn vỗ ngực, giơ tay đảm bảo không thành vấn đề. Anh cực kỳ nghi ngờ nhưng cũng ngồi lên ghế sau. Ôn Địch mới đạp được vài bước đã mất khống chế, xe chạy loạng choạng rồi ngã xuống. Cả hai người nằm dài trên đất, hai mắt nhìn nhau, sau đó không hẹn mà cùng cười lớn.
Ôn Địch vỗ vỗ lên cánh tay Trần Gia Hữu, nói: “Này, cố lên nhé!”.
Đám mây sau lưng anh cuối cùng cũng tan biến, để lộ ra ánh sáng vàng ươm. Còn phía trước là mặt trời ấm áp rơi vào tầm mắt.
06
Vào mùa hè năm thứ hai, Ôn Địch thi trượt đại học Bắc Kinh vì thiếu hai điểm. Cô ngồi thẫn thờ trong nhà anh Phương Nhân, không ăn không uống tận hai ngày. Cuối cùng, Trần Gia Hữu biết chuyện vội vàng trở về con hẻm nhỏ.
Anh cũng có chìa khóa vào nhà, nhưng Ôn Địch không muốn mở cửa nên đành ngồi lại bên ngoài để chờ. Trần Gia Hữu lấy từ trong túi ra một chiếc kèn harmonica màu xanh nhạt, nhẹ nhàng đưa lên miệng, ngập ngừng thử thổi vài lần. Sau đó âm thanh của nó vang lên trôi chảy. Ôn Địch nhắm mắt lại. Đó là bài “Serenade” yêu thích của cô.
Còn nhớ mùa hè năm xưa, cô luôn thích sánh vai cùng Trần Gia Hữu ngồi trước cửa nghe anh thổi kèn harmonica. Khi đó cô sẽ cúi đầu đọc sách, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu ngâm nga theo vài câu. Anh Phương Nhân thì ở trong phòng làm việc bên ngọn nến nhỏ nhấp nháy. Đêm vắng lặng, và tương lai vẫn còn rất xa.
Khi đó, haizz, chỉ là khi đó!
Cuối cùng Ôn Địch cũng đứng dậy đi ra mở cửa, nhưng Trần Gia Hữu đã rời đi. Bởi anh chỉ được nghỉ phép trong vòng bảy mươi hai tiếng. Người thiếu niên ấy đã đi trong đêm không ngừng nghỉ, chưa kể thời gian đi chuyển bằng tàu lửa đã mất hết năm mươi sáu tiếng, thêm lúc anh di chuyển bằng xe buýt nữa, giờ anh chỉ còn lại tổng cộng ba tiếng. Trong ba ngày này, Trần Gia Hữu chỉ ăn bánh bao nguội với nước lọc. Anh chỉ kịp ghé qua nhà, thời gian ở lại cũng không có bao nhiêu.
Anh để lại cho Ôn Địch một lá thư được đặt trong chiếc bao da. Bên trong là tiền tiết kiệm anh dành dụm được một năm trong quân đội, số tiền này vừa đủ cho năm thứ ba học cấp ba của cô.
Năm đó, Ôn Địch mười tám tuổi, cô đứng cạnh hồ sen giữa trưa hè, ôm phong thư bật khóc nức nở, nước mắt giàn giụa chảy dài theo khuôn mặt rồi rơi thẳng xuống hồ.
Một năm sau, khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoa Vật Lý của đại học Bắc Kinh, cô vui lắm. Hiềm nỗi Trần Gia Hữu lại không về. Trong suốt mùa hè đó, anh luôn bận rộn với các bài tập quân sự, thời tiết ở đây thật sự rất khắc nghiệt, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn. Vào ban đêm, anh mặc áo khoác quân đội rồi nói với đồng đội của mình rằng: “Ở đây đúng là lạnh hơn mùa đông ở phương Bắc”.
Thời gian thoáng trôi, Ôn Địch của hiện tại đã cắt đi một đoạn tóc dài, dùng chỉ hồng kết thành dây rồi buộc nó cao lên. Còn Trần Gia Hữu, chàng thiếu niên năm nào giờ đã cao đến một mét tám, nghe nói có thể nhảy rất xa. Hàng dương liễu lả lướt ven bờ hồ vô danh, còn cỏ cây ở phía Tây thì đang co rúm sợ hãi.
Sau khi vào đại học, mỗi tháng Ôn Địch đều về thăm nhà một lần. Thời gian rảnh rỗi Ôn Địch đều ở thư viện đọc sách. Trong mắt mọi người, cô nhìn thế nào cũng rất giống một đứa trẻ vừa mới mở mắt, lúc nào cũng bị thu hút bởi thế giới rộng lớn và xinh đẹp trước mặt. Khi không ở thư viện, Ôn Địch sẽ nằm dài trên bàn rồi viết thư cho Trần Gia Hữu. Mỗi lần như thế cô đều gửi cho anh bốn năm lá thư, mà đối phương chỉ hồi âm lại một bức. Trong thư, Gia hữu cũng chỉ nói đơn giản như: Mọi thứ đều ổn, không cần lo lắng, phong cảnh ở đây rất đẹp…
Từ nhỏ Ôn Địch đã thanh tú xinh đẹp, nay lại để tóc ngắn nên cô càng trở nên rạng rỡ trước mọi người, hơn nữa còn là cô gái duy nhất của toàn Khoa Vật lý, nhiều đứa con trai luôn vắt óc tìm cách theo đuổi cô. Nào là thư tình, rồi đến hoa hồng, rồi mỗi ngày một ấm nước nóng. Ôn Địch vẫn lãnh đạm cự tuyệt hết thảy, nhưng vẫn có một người luôn kiên trì không chịu từ bỏ.
Mỗi tháng cô về thăm nhà, người đó đều luôn đi xe đạp theo sau, khoảng cách không xa cũng không gần, vẫn luôn muốn tận mắt thấy cô về đến nhà an toàn rồi mới yên lòng quay xe rời đi. Thời gian lâu như vậy, hàng xóm láng giềng quê cô đều biết đến anh ta.
Có khi Ôn Địch đang đi trên đường, bác hàng xóm nhiều năm nhìn dáng vẻ cô liền trêu ghẹo: “Chàng trai kia thật tuấn tú lịch sự, rất xứng đôi với Ôn Địch nhà chúng ta”.
Cuối cùng vào một ngày nọ, khi Ôn Địch về nhà, mẹ cô kéo cô lại nói: “Cậu ta theo con thời gian lâu vậy rồi, hay con mời cậu ấy vào nhà uống tách trà đi”.
Ôn Địch ngẩng đầu, nhìn thấy dáng vẻ tươi cười của mẹ, nhưng nơi khóe mắt ấy đã có vài nếp nhăn. Cô lại cúi đầu lần nữa, không nói lời nào.
Cô cũng đã tìm anh ta nhiều lần, cũng không do dự bảo anh ta đừng kiên trì nữa. Song chàng thiếu niên mặc sơ mi trắng, thân hình gầy yếu, hào hoa phong nhã đó lại cười nói: “Cậu thích vũ trụ nhiều đến như thế, nó cũng đâu đáp lời cậu, còn mình thích cậu, tại sao lại không được?”.
Ôn Địch lắc đầu: “Không thể được”.
Đối phương lại tiếp tục cười nói: “Trăm năm trước, loài người vẫn còn cho rằng Trái Đất hình phẳng cơ!”.
Ôn Địch vẫn lúc lắc đầu, sau đó chỉ vào trái tim đang đập của mình, dịu dàng nói: “Trong đây đã có Mặt Trời của riêng tôi rồi”.
Trong thế giới này, đối với vũ trụ thì nó có vô số hệ Mặt Trời. Nhưng đối với Trái Đất, Mặt Trời chỉ có một và nó chỉ chung thủy quay nơi ánh sáng chói lóa đó, cho đến khi Trái Đất bị nổ tung, tan biến không còn một mảnh mới thôi.
Mấy ngày nay, Ôn Địch thường xuyên nhớ đến Trần Gia Hữu. Nhìn đàn chim nhạn bay về phương Nam, gặp những vị khách nước ngoài, nhìn thấy những anh thanh niên mặc quân phục xanh màu lá… ngay cả sạp hàng bánh hoa quế đầu đường cũng đủ làm cô thất thần, chỉ là cậu ấy không biết thôi.
Mùa đông năm thứ ba chia xa, cuối cùng Trần Gia Hữu cũng trở về. Trông anh không còn là một cậu bé như ngày xưa nữa, cái nắng khắc nghiệt và cái lạnh cắt da đã khiến anh trở thành một người đàn ông đẹp trai phong độ. Làn da rám nắng màu lúa mì, khoác trên người một chiếc áo quân đội đã hơi cũ, đứng ở đầu ngõ với một túi hành lý thật to, những bông hoa tuyết đang đậu trên chiếc vai cường tráng trông anh thật nổi bật.
Ôn Địch đứng cách anh mấy mét, ánh mắt của hai người không hẹn va vào nhau, nhìn nhau nhưng lại không biết làm gì. Họ đã đi qua thời tuổi thơ hồn nhiên, rồi đến thời niên thiếu rực rỡ, mà dòng sông trưởng thành này đã đem họ chia cách xa hai nơi.
Sau khi Trần Gia Hữu về nhà, trên bàn ăn, anh nghe được cha mẹ có nhắc tới người thanh niên theo đuổi Ôn Địch. Mẹ Trần Gia Hữu trừng mắt liếc anh một cái: “Người ta tuấn tú lịch sự, còn là sinh viên tài năng của trường đại học Bắc Kinh. Nhìn con kìa. Còn chưa tốt nghiệp cấp ba đã ở ngoài bốn mùa đều hứng gió táp mưa sa, con lấy gì mà so tài với người ta đây”.
Anh ngẩn người giây lát rồi tiếp tục ăn cơm mà không nói gì.
Đến đêm, Ôn Địch không ngủ được, chỉ nằm lăn lộn trên giường, bỗng nhiên nghe được tiếng kèn harmonica, cô lập tức mở to hai mắt, tay ôm chặt lấy chăn bông. Ngoài cửa sổ, tuyết rơi đã cao hơn một thước, anh mặc quần áo thật dày, ngồi xổm phía dưới cửa phòng cô, dùng harmonica thổi, tiếng kèn vang dài uyển chuyển, lại mang theo một chút nỗi buồn. Thật giống như khi còn nhỏ, hai người đưa lưng về phía vách tường, cô ở trong phòng, anh ở bên ngoài, bông tuyết rơi lả tả, trắng muốt một khoảng không.
Cô nghe ra được khúc đó, đó là một khúc “Phượng cầu hoàng”.
Sau khi kết thúc khúc nhạc, anh thổi lại từ đầu, cứ như vậy trong đêm đông tuyết rơi trắng xóa, anh đã thổi khúc “Phượng cầu hoàng” ba lần. Nhưng cửa sổ Ôn Địch vẫn đóng chặt, còn anh cũng giống như ngày xưa, không chờ cô nữa.
Ngày hôm đó, anh qua nhà Phương Nhân. Bước vào phòng, nó vẫn được bày biện như cũ, Ôn Địch luôn quét dọn nơi đây sạch sẽ. Anh ngồi xổm xuống, đốt lò sưởi, rồi mân mê mấy đồ vật trên bàn. Rồi đến ngồi dưới cái bàn mà anh Phương Nhân từng hay ngồi, kể cho anh nghe nhiều chuyện trong quân đội, anh nhẹ giọng thì thầm: Lúc vừa mới nhập ngũ rất mệt mỏi, nhưng một thời gian dài, từ tân binh trở thành lính chính quy, nghe kể về những hoàn cảnh của những đồng đội khác cũng làm anh ở trong cảnh khổ cũng cảm thấy vui hơn.
“Em luôn nhớ mong cô ấy, sợ cô ấy không được vui, sợ cô ấy cảm thấy cô đơn”. Nói tới đây, Gia Hữu cười tự giễu: “Kết quả cuối cùng, người thật sự cô đơn lại chính là bản thân em”.
Vừa dứt lời, bỗng có một viên đá từ cửa sổ bay vào đập trúng ót Trần Gia Hữu, vẻ mặt anh mê man như chưa hiểu chuyện gì, ngoáy đầu nhìn ra bên ngoài, Ôn Địch đang đứng dậy phủi tuyết trên người, cô mặc một cái áo bông màu đỏ, vẻ mặt cười tươi như hoa: “Có như vậy mà cậu đã từ bỏ? Trần Gia Hữu, sức chạy ngàn mã lực của cậu đâu rồi, sao giờ không thấy nữa”.
Trong phòng, lò sưởi đang cháy, ngọn lửa ấm áp bập bùng, anh chống một tay lên cửa sổ rồi dùng sức để cả người nhảy từ trên xuống. Ôn Địch không kịp làm gì thì anh đã ôm chặt cô vào lòng, tuyết rơi trên vai, hai người không nói gì cả.
Mùa hè năm thứ hai, Ôn Địch ngồi tàu lửa đến Tứ Xuyên thăm anh. Năm 1973, ở miền Tây vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu, Ôn Địch dừng chân ở ga tàu trong Thành Đô, nhưng xung quanh không phải cảnh tượng mấy ngôi nhà dột nát như cô tưởng tượng. Nơi đây có những người bán đồ ăn vặt bên đường phố, hay việc đổ hạt sen từ vòi đồng như đang ảo thuật khiến mọi người xung quanh vỗ tay không ngớt.
Hay tin Trần Gia Hữu được nghỉ phép bảy ngày nên cô đến Tứ Xuyên thăm anh. Hai người chọn khách sạn Vọng Giang Lâu là nơi nghỉ chân. Từ trên lầu có thể trông thấy cảnh nước chảy róc rách, cò trắng bay lượn thành đàn. Trần Gia Hữu đã mượn ông chủ khách sạn một chiếc xe đạp, lục lạc trên xe không kêu nhưng bù lại mấy chỗ khác đều kêu. Ban ngày anh chở Ôn Địch chạy quanh Thành Đô, cùng đi xem tượng Bồ Tát ở viện Văn Thù, hoa đăng ở đình Hợp Giang, hoa phù dung đường Xuân Hi, bởi vì người Thành Đô chú trọng sự an toàn nên khắp nơi đều có những quán trà lộ thiên. Trần Gia Hữu và Ôn Địch cũng nhập gia tuỳ tục nằm trên ghế dài vừa ngoáy tai vừa sưởi nắng.
Vào buổi tối, Trần Gia Hữu sợ Ôn Địch đi cả ngày bị đau chân nên bèn đun một chậu nước ấm để cô ngâm. Bàn tay to lớn của chàng quân nhân do tập luyện đã trở nên thô ráp, khi chạm vào da thịt non mềm trắng nõn làm cô thấy hơi đau. Dưới ánh đèn chỉ có thể lờ mờ nhìn thấy những mạch máu, vì thế anh chỉ dám xoa chân cô một cách nhẹ nhàng.
Ôn Địch dời mắt ngó xuống, thình lình đập vào tầm mắt của cô là một mái tóc cắt kiểu húi cua, bàn tay nhỏ nhắn không tự chủ được bèn đưa lên sờ mó, rồi một tiếng cười vui vẻ phát ra cùng với đó là giọng nói dịu dàng vang lên: “Gia Hữu”.
“Ừ”.
Bốn ngày đã trôi qua, anh bỗng nhiên nhận được lệnh khẩn cấp phải trở về đội. Miền Tây Tứ Xuyên là nơi có nhiều núi, vào mùa hè thường hay xảy ra sạt lở đất. Nhưng lần này do mưa lớn liên tục ập xuống làm ngập lụt nhiều nơi. Cả khu vực lớn không có điện cũng không có tín hiệu, nên việc nghe ngóng tình trạng và số người bị nạn là việc không thể.
Trần Gia Hữu lên đường cùng cả đội ngay trong Thành Đô, vội vàng đến nỗi hai người còn chưa kịp nói lời từ biệt. Vào thời điểm đó, thông tin liên lạc chưa phát triển mạnh, cả nhà chỉ có một chiếc tivi đen trắng, Ôn Địch đứng trước tivi lo lắng chờ tin tức. Trong TV chiếu cảnh một nữ phóng viên đang đứng ngoài đường, gió lớn quật vào người khiến cô lung lay như sắp đổ, cô ấy cầm micro hét to, hi vọng những người lính đang gặp nguy hiểm có thể nghe được.
“…Một tiểu đội chi viện từ Thành Đô đã gặp phải một đợt sạt lở đất kế tiếp, hiện tại không liên lạc được…”.
Tín hiệu tivi không tốt, màn hình rè đi, chỉ còn lại một mảng hoa râm và tiếng ong ong hỗn loạn.
Tại hiện trường cứu hộ, giọng người chỉ huy ra hiệu lệnh hòa lẫn trong tiếng mưa rơi, bùn đất văng tứ tung, cây cối đổ rạp, nom mọi thứ thật hỗn loạn, nhìn từ xa đã thấy khung cảnh vô cùng đáng sợ.
“Vị đồng chí, nơi này rất nguy hiểm, mong cô lập tức ra khỏi đây”.
Ôn Địch cắn răng không chịu đi, nước mưa và bùn đất dính khắp người cô, trông rất chật vật. Cô cực kì kiên định: “Tôi không quay về, tôi muốn tìm người”.
“Nơi này rất nguy hiểm! Dù thế nào đi nữa, mong cô hãy rời khỏi đây”. Người chiến sĩ phía đối diện cứng rắn nói.
Trong lúc hai người đang giằng co, cách đó không xa truyền đến tiếng xôn xao, có một nhóm người đầy bùn đất trong rõ là ai, kiệt sức ngã trên mặt đất, cuối cùng bọn họ cũng đưa hết người dân trong núi ra ngoài. Bọn trẻ mới được đưa ra liền khóc ầm lên, người chiến sĩ đang chặn Ôn Địch lại thoáng chốc cũng quên cả tình huống trước mắt, bỏ qua Ôn Địch rồi chạy đến hỗ trợ đồng đội cứu giúp. Ôn Địch thừa dịp này lẻn vào bên trong đám người. Cả người cô đầy bùn, trông thần sắc đầy hoang mang hoảng sợ nên ai cũng nghĩ cô nằm trong nhóm người vừa được cứu ra, cũng không ai chú ý nhiều.
Một người lính vừa từ trong núi ra, yếu ớt báo cáo tình huống: “Còn có một vài người ở trong núi bị chặn đứng đường ra, hiện tại bọn họ không ra được…”.
“…Không được, hiện tại không thể vào núi, phải đợi bộ đội công binh đến…”.
Lúc này, một người phụ nữ bỗng nhiên gào khóc thật to: “Buông tôi ra, con gái của tôi còn ở bên trong! Buông tôi ra! Tôi muốn đi tìm con gái tôi!”.
Sức lực của người phụ này thật kinh người, chốc lát đã đẩy ngã người lính trẻ tuổi đang chắn trước mặt, không màng tất cả chạy vào núi, ánh mắt Ôn Địch sáng lên, vội vàng chạy theo sau. Con đường lên núi đã bị phá hủy, người phụ nữ nắm lấy sợi dây mà những người lính đã dùng để đi lên, giẫm lên mặt đất ẩm ướt, trơn trượt, tuột dần dần xuống núi. Ôn Địch tìm một sợi dây cách đó không xa, bắt chước động tác của người phụ nữ đó để xuống núi, tim cô đập như trống.
Hai người phụ nữ từ trên vách núi leo xuống, cả ngôi làng dưới chân núi đã bị phá hủy. Người phụ nữ khuỵu xuống, gào khóc, vừa khóc vừa gọi tên con gái. Cô ấy nói giọng địa phương, Ôn Địch nghe không hiểu, lúc này cô đang lạnh buốt cả người. Trận lũ lụt đã cuốn trôi con đường trước mặt, cây cối cũng bị cuốn theo. Ôn Địch nhìn thấy có một cái hang bên cạnh gò đất đã trọc hết cây cỏ, bỗng một tia hy vọng le lói xuất hiện trong tim cô.
Ôn Địch không có bất kỳ dụng cụ đào bới nào trong tay, cô cứ như thế mà dùng tay cào đất một cách mạnh bạo, hét to tên của anh: “Gia Hữu! Gia Hữu!”.
Bỗng nhiên có một tiếng rên yếu ớt, nhưng bởi vì mưa gió giật mạnh, tiếng kêu quá mỏng manh, khiến cô tưởng chừng như là ảo giác.
“Có người! Chỗ này có người!”. Ôn Địch mừng như điên, hét to về phía người phụ nữ kia.
Gia Hữu vì cứu cô con gái của người phụ nữ đó nên đã bị cây đổ xuống chân, cô gái nhỏ không đủ sức để đẩy cây ra, mà con đường phía trước lại bị chặn, không còn nơi nào để đi, vì vậy cô nghe lời Gia Hữu trốn trong hang đợi người cứu hộ. Ôn Địch và người phụ nữ cũng không đẩy nổi cây, cô ấy mới cùng con gái quay về tìm đội cứu hộ, Ôn Địch ở lại ngồi bên cạnh Gia Hữu khóc thật to, Gia Hữu bất lực cười, đưa tay nắm lấy tay cô.
“Sao em lại ở đây?”. Gia Hữu không thể tượng tưởng nổi bèn hỏi Ôn Địch.
Ôn Địch không trả lời mà chỉ vừa khóc vừa ngồi bên cạnh Gia Hữu. Lúc này anh mới phát hiện đôi tay cô đã đầy vết thương, còn chảy rất nhiều máu. Anh thấy lòng mình đau vô cùng, Ôn Địch của anh nên ngồi trong thư viện với những ô cửa sổ sáng trưng để đọc những quyển sách mà cô yêu thích. Trong đó là một thế giới mà anh không hề biết.
Nhưng anh không biết rằng Ôn Địch đang khóc vì vui sướng. Một chút, chỉ một chút nữa thôi là bọn họ đã cách biệt âm dương, chỉ nghĩ đến đấy thôi, Ôn Địch đã cảm thấy trái tim cô trống rỗng, tuyệt vọng đến nhường nào.
“Đừng khóc, Ôn Địch đừng khóc, anh ở đây rồi”. Anh kìm nén cơn đau, cố nặn ra nụ cười an ủi Ôn Địch.
Ôn Địch không kìm được đã khóc rống lên, tiếng khóc của cô hòa vào cơn mưa, giờ phút này, trong cơn giông bão, tất cả dường như đã tan biến hết, thế giới của cô chỉ còn mỗi anh.