-
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 10
Sau bữa tối, ba chúng tôi đi dạo.
Mio vẫn hơi nhức đầu, nàng hy vọng ra ngoài hóng gió sẽ khiến nàng dễ chịu hơn. Ban đầu tôi hơi do dự, nhưng rồi nghĩ đi trong bóng tối, chúng tôi chỉ là những cái bóng nên tôi quyết định dẫn nàng theo.
Chúng tôi đi trong khung cảnh nhờ nhờ tối. Phía bìa rừng, mảnh trăng gầy đang treo vắt vẻo. Thi thoảng có cơn gió thổi tới làm bóng trăng in trên mặt cánh đồng lúa nước khẽ rung rinh.
"Mát quá!" Mio nói.
"Tại dạo này trời mưa suốt đấy."
Yuji và Mio nắm tay nhau đi đằng trước, còn tôi đi đằng sau. Tôi cũng có ước muốn giản dị là được nắm tay nàng nhưng đương nhiên là tôi không thể thổ lộ mong muốn này. Tôi thấy ghen tị với Yuji vì thằng bé dễ dàng làm được điều tôi không thể.
"Anh này," nàng nói. "Những vấn đề của anh là gì? Anh có nói sẽ kể cho em mà?"
"À ừ."
Đến chỗ mương dẫn nước ở cuối đường, chúng tôi rẽ sang tay phải. Xa xa, thấp thoáng có ánh đèn tín hiệu chỗ giao cắt với đường tàu.
"Trước hết, anh muốn kể thêm chuyện của chúng mình."
"Vâng, anh kể đi."
Tôi bước lên để đi song song với nàng.
"Hồi ấy," tôi bắt đầu, "khi còn học cấp III, chúng mình chưa phải là người yêu của nhau."
"Tại em là một học sinh mô phạm, gầy gò, chẳng có gì hấp dẫn, đã thế còn đeo kính nữa đúng không"
Tôi cười, mắt vẫn nhìn về phía trước.
"Ừ"
Nhưng mà, tôi nói.
"Anh cũng thích học sinh mô phạm, gày gò, chẳng có gì hấp dẫn, đã thế lại còn đeo kính nữa."
"Thế hả?" Yuji hỏi.
"Ừ. Nhưng hồi đấy, các bạn gái như thế chẳng đoái hoài gì đến chuyện yêu đương."
"Nghĩa là không cần người yêu?" Mio nói.
"Phải. Em phớt lờ tín hiệu kiểu này."
"Em ư?" nàng hỏi. "Hồi đấy em nghĩ về anh thế nào: "Giống như anh nghĩ về em thôi. Anh hơi lập dị, mọi người xung quanh còn bảo anh là người không thích chơi với ai. Em cũng nghĩ một người như anh thì chẳng màng đến yêu đương."
"Em đã nói thế?"
"Ừ."
"Bọn mình đúng là cái đồ chậm dậy thì. Ai lại nghĩ thế bao giờ."
"Ừ."
"Phải xếp vào hạng chậm dậy thì cấp quốc gia ấy chứ."
"Bọn mình còn mải tham gia câu lạc bộ. Em suốt ngày chỉ nhảy cao, chạy với ném..."
"Thể dục nhịp điệu phải không?"
Tôi gật đầu.
"Còn anh chỉ suốt ngày chạy vòng vòng quanh cái sân vận động bầu dục có đường kính bốn trăm mét."
"Chạy vui lắm hả anh?"
"Vui chứ. Việc này rất phổ biến đấy em. Các hành tinh và các hạt điện tử cũng suốt ngày chạy vòng vòng như vậy."
"Thật ạ?"
"Thật."
Chúng tôi băng qua đoạn giao với đường tàu. Con đường xuôi theo mương dẫn nước, chạy dài tít tắp.
Mio cứ nhìn đăm đăm con đường tối mịt trước mặt.
"Em chỉ thấy mờ mờ đàng xa," Mio nói.
"Thế hả?"
"Dạo này em không đeo kính nữa à?"
"À," tôi ngừng lại, "không."
Tôi đã quên mất chi tiết này. Mọi ngày Mio vẫn dùng kính áp tròng. Tuy có lần nàng đeo kính thường vào lúc nghỉ ngơi nhưng chuyện này cực hiếm. Thị lực của nàng chỉ khoảng 0.4, 0.5 gì đó.
Tôi đành phải nói dối.
"Em có đeo kính đâu nhỉ. Vì em không phải nhìn bảng đen hay lái xe nữa."
"Nhưng em nhìn không rõ. Em vẫn còn kính chứ?"
"Chắc là còn ở đâu đó. Anh sẽ tìm."
"Vâng, tìm giúp em nhé."
Có vẻ như ở tinh cầu Lưu Trữ, người ta không phát kính áp tròng cho nàng.
"Tóm lại," tôi quay trở lại câu chuyện "vì chậm dậy thì hơn cả một đứa trẻ năm tuổi nên thời cấp III của chúng mình đã kết thúc mà không dính dáng gì đến yêu đương."
"Chậm dậy thì hơn cả con à?" Yuji hỏi.
"Bố không biết," tôi nói. "Cũng có thể."
"Chậm dậy thì là gì ạ?"
"Là chậm lớn."
"Trời ơi!" Yuji hét lên. "Tức là hồi đấy bố và mẹ bé tẹo à?"
Tôi và Mio nhìn nhau cười khúc khích. Tôi nói với nàng.
"Một sự kiện rất nhỏ trong lễ tốt nghiệp đã tạo nên bước ngoặc trong mối quan hệ của chúng ta."
Lễ tốt nghiệp.
Lẽ ra chúng mình sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, dù hồi đấy chúng mình cũng chẳng bận tâm đến chuyện này.
Nhưng đã xảy ra một tình huống ngoài ý muốn.
Chuyện xảy ra sau khi hầu hết mọi việc đều đã xong xuôi, buổi lễ tốt nghiệp kết thúc, các học sinh về lớp và hoàn thành nốt buổi họp mặt cuối cùng của thời cấp III.
Anh đang nhặt mấy thứ linh tinh trong ngăn bàn cho vào túi thể thao (toàn phiếu giảm giá đồ ăn nhanh, nhân vật hoạt hình được tặng kèm khi mua kẹo, thẻ trúng thưởng kem que...) thì em gọi anh từ ghế bên cạnh.
"Aio này !"
"Gì thế hả Enokida?"
"Tớ muốn cậu viết cho tớ vài dòng."
Em đưa cho anh quyển lưu bút. Có vô số quyển lưu bút được chuyền tay nhau trong lễ tốt nghiệp. Và em là người duy nhất đã nhờ anh viết lưu bút. Không em thì còn ai khác đây?
"Ừ, đưa tớ viết cho."
Anh nhận cuốn sổ từ tay em, ngẫm nghĩ một lát rồi viết một câu ngắn gọn.
"Ngồi cạnh cậu rất dễ chịu. Cảm ơn cậu."
Đó là lời cảm ơn của anh đối với em vì em đã cho anh mượn vở, đồng thời cũng là lời đáp lại chất hóa học anh vô tình nhận được từ em.
Đọc câu đó của anh, em nói thế này:
"Tớ cũng rất dễ chịu khi ngồi cạnh cậu. Cảm ơn cậu."
Và chúng mình chia tay nhau.
"Tạm biệt cậu."
"Tạm biệt."
Anh cầm bằng tốt nghiệp cùng chiếc túi thể thao bên trong chất đầy đồ linh tinh rời khỏi lớp học.
"Không có gì xảy ra ư?"
"Không, chưa hết em ạ."
Sau lễ tốt nghiệp chừng một tháng, anh nhận được một bức thư chỉ có vẻn vẹn mấy chữ của em:
"Tớ đang cầm bút chì của cậu. Tớ phải làm thế nào?"
"Thì ra là vậy!" anh hét lên.
Anh đi tìm cái bút chì đó suốt cả tháng trời. Hóa ra là lúc trả lại em cuốn sổ, anh đã kẹp luôn cả bút của mình vào đó. Thảo nào anh tìm mãi không thấy.
Nếu chỉ là cái bút chì bình thường chì anh cũng chẳng bận tâm đến thế đâu, nhưng cái bút chì này không hề bình thường. Đó là món quà sinh nhật đầu tiên trong đời vào năm anh mười tuổi. Bác anh, tức chị gái của mẹ anh, người cũng đáng để anh gọi là mẹ, đã mua cho anh món quà này.
Ai cũng gắn bó với món quà lần đầu tiên trong đời. Cuốn sách đầu tiên, chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên, đĩa CD đầu tiên. Anh đều cất giữ cẩn chận tất cả những thứ đó.
Anh viết ngay thư trả lời em.
"Đây là thứ rất quan trọng với tớ. Tớ sẽ đến lấy.
Anh muốn tự đến lấy vì không muốn phiền em mất tiền gửi trả anh. Em viết lại cho anh thế này.
"Tớ đang ở trong ký túc. Khi nào về nhà, tớ sẽ liên lạc với cậu."
Thế vụ trao trả bút chì bị trì hoản tới tận kỳ nghỉ hè.
Kể cả anh có biết chỗ em ở thì việc này cũng không quá cấp bách. Ngoài ra, anh cũng có một mong muốn nho nhỏ là được gặp em khi em đã trở thành sinh viên.
Chúng mình vẫn tiếp tục tham gia câu lạc bộ khi lên đại học, do bận bịu hết đại hội thể thao này đến các buổi họp mặt khác mà mãi đến ngày 7 tháng Chín, tức là khi kỳ nghỉ hè sắp kết thúc, chúng mình mới gặp được nhau. (Hôm đó là ngày Lễ Lao động nên anh nhớ rất rõ. Anh nhớ tất cả các ngày lễ của Mỹ).
Chúng mình hẹn nhau tại một ga nằm giữa nhà hai đứa. Anh đến chỗ hẹn trước năm phút nhưng đã thấy em ở đó rồi.
Thấy em đứng giữa đám đông, tự nhiên một cảm giác kỳ lạ, rất khó tả xâm chiếm anh. Trước đó, anh không hề biết đến sự tồn tại của cảm giác này. Chẳng cần nói nhiều, đó chính là cảm giác yêu.
Một kẻ chậm dậy thì như anh cuối cùng đã lớn.
Hoan hô!
Ban đầu, anh ngỡ rằng đây chỉ là cảm giác vui mừng khi gặp lại bạn cũ. Vì thực tế đúng là anh rất vui.
Ba năm ngồi gắn nhau trong vòng bán kính một mét, em đã chiếm một góc rất riêng tư trong trái tim anh. Một góc rất gần với góc của bố, góc của mẹ và góc của bác anh. Anh biết, phần dành cho em trong con người anh cũng đang vô cùng háo hức được gặp lại em.
Em còn dành cho anh một sự ngạc nhiên nho nhỏ nữa. Sự ngạc nhiên này khiến tim anh loạn nhịp và lâng lâng suốt cả buổi.
"Một sự ngạc nhiên?"
"Ừ."
"Ngạc nhiên thế nào?"
"Là thế này."
Tóc em đã dài chấm vai.
Hồi mới vào cấp III, tóc em ngắn cũn, khi ra trường cũng vẫn còn ngắn. Thế mà giờ đã dài chấm vai rồi. Phần tóc mái em để bằng đến chớm lông mày, hai bên tóc mai được em vắt ra đằng sau và ghim lại bằng kẹp tóc. Em đã chuyển sang kính áp tròng, trước đây cũng có lần anh thấy em đeo kính áp tròng. Vì vậy, mái tóc của em chính là điều khiến anh ngạc nhiên nhất.
Em trông rất nữ tính. Em giờ đã là một thiếu nữ bước vào tuổi cập kê có mùi hương và làn da ấm áp, không còn giống như linh hồn của chiếc thìa cà phê nữa.
Em cũng không còn nói "Tôi chẳng có hứng thú gì với bọn con trai hết. Hãy để tôi yên."
Anh có cảm giác dường như em đang nói với anh: "Hãy nhìn và thích tớ đi."
Anh là người khá nông cạn, tiếp nhận nguyên xi những gì có ở trước mắt, vì vậy anh đã tiếp nhận nguyên xi tín hiệu em đưa ra.
"Được thôi, tớ sẽ thích cậu."
Trông thấy anh, em mỉm cười e lệ. Anh đoán là em cũng đang hồi hộp. Bởi đây là lần đầu tiên chúng mình hẹn hò với bạn khác giới.
"Xin chào. Lâu quá rồi nhỉ."
Em nói.
"Ừ, đúng là lâu quá rồi."
Đến đây thì chẳng ai nói gì nữa. Sau một hồi nghĩ ngợi, anh lên tiếng.
"Enokida, ngồi cạnh em là bạn Aio phải không?"
Em nhớ ra ngay.
"Không phải," em nói.
"Là bạn gấu Teddy," em tiếp tục.
Rồi chúng mình cười khúc khích.
Hồi cấp III, một hôm anh trốn học, ai đó đã đặt con gấu Teddy vào chỗ của anh. Vừa rồi là đoạn hội thoại giữa em và cô giáo khi cô nhìn thấy con gấu.
Còn anh lúc ấy đang ngồi trong câu lạc bộ điền kinh đọc cuốn Đêm thứ Bảy và sáng Chủ nhật của Alan Sillitoe.
Cuối cùng, cô giáo nói:
"Cô cũng nghĩ thế. So với bạn ấy, con gấu này quá nhiều lông."
Chuyện chưa kết thúc đâu.
Ngày hôm sau, chỗ anh ngồi xuất hiện con chuột Mickey. Cô giáo lại hỏi em câu giống như hôm trước. Em cũng trả lời giống như hôm trước.
Sau đó, cô giáo nói.
"Cô cũng nghĩ thế. So với bạn ấy, tai con chuột quá to."
Còn anh, anh lại ngồi trong câu lạc bộ điền kinh đọc tiếp cuốn sách hôm qua.
Trò này lặp lại một thời gian. Rất nhiều thú bông được đặt vào chỗ ngồi của anh mà anh không hề biết. Nào là gấu Pooh, chó Snoopy, lúc lại là vịt Donald. Con quá béo so với anh, con thì quá trắng, con thì miệng quá rộng.
Em thật bản lĩnh khi ngoan ngoãn trả lời cô giáo, còn cô giáo cũng sắc sảo chẳng kém thì đưa ra các câu bình luận.
Sau này, khi được em kể lại, anh thấy hơi tiếc. Giá mà anh có mặt ở đó để nghe em và cô giáo đối đáp.
Đúng là một giai thoại đáng nhớ của chúng mình.
Sau giây phút căng thẳng, chúng mình mới nhớ ra lý do để gặp nhau.
"A đúng rồi," em nói.
"Cái bút chì."
"Ừ. Cái bút chì."
Em lấy từ trong chiếc túi có vẽ bông hoa dâm bụt ra một phong bì màu xanh.
"Của cậu đây."
Em đưa cho anh.
"Hôm đấy tớ phát hiện ra ngay nhưng Aio đã về mất."
"Sau đấy, tớ bận phải dọn vào ký túc xá nên không liên lạc được với cậu. Xin lỗi cậu nhé."
"Không không. Tại tớ đoảng quá thôi," anh nói. "Giờ thì nó đã quay về với tớ rồi."
Anh rút chiếc bút chì ra khỏi phong bì, giơ lên trước ánh nắng.
"Đây là quà sinh nhật của bác tớ. Chiếc bút chì tớ dược tặng lần đầu tiên trong đời."
"Sinh nhật năm nào?"
"Năm mười tuổi. Bác tớ mua ở ga Kichizyoji."
"À, hồi cậu ở Tokyo hả?"
"Ừ."
Trước khi chuyển đến thị trấn này, anh sống ở Chofu trên Tokyo. Hồi đó, em sống ở Minami Azabu, quận Minato. Vì vậy, rất có thể anh và em đã ngắm cùng một đám mây vào cùng một thời điểm.
Chúng mình chỉ sống cách nhau có từng ấy.
"Cảm ơn cậu," anh nói.
"Không có gì đâu," em nói.
Thật không may là đến đây thì việc chính đã xong. Giờ chúng minh chia tay nhau cũng chẳng có gì là bất hợp lý. Nhưng chúng mình chưa muốn chia tay.
Giữa dòng người tấp nập qua lại như mắc cửi, chúng mình nhìn nhau, chờ đợi bên kia mở lời. Anh mong em sẽ làm gì đó để rồi nhận ra rằng chính em cũng mong như vậy.
Mọi chuyện có nguy cơ chấm dứt tại đây.
"Tình hình là..." anh mở miệng. Em nhìn anh chờ đợi. Ánh mắt em đã tiếp thêm dũng khí để anh nói ra câu tiếp theo."
"Cậu có khát không?" anh nói. "Trời nóng quá."
Thực tế là anh đang rất khát.
Em gật đầu hai lần.
"Bọn mình đi uống thứ gì cho mát nhé."
Sau đó, chúng mình đến điểm hẹn hò đáng nhớ đầu tiên.
Đến chỗ chân tàu, chúng tôi quyết định quay ngược trở lại.
"Em còn đau đầu không?" tôi hỏi Mio.
"Có vẻ đỡ hơn rồi."
"Thế thì tốt."
Yuji kêu buồn ngủ, tôi liền cõng thằng bé lên. Ngay sau đó là tiếng thở khò khè quen thuộc.
Thằng bé bị viêm màng phổi chăng?
"Nhìn con ngủ trông yêu quá!" Mio nói.
"Con rất giống em. Nhất là lúc ngủ."
"Có lẽ vậy. Nhìn con, em có cảm giác gì đó rất thân thuộc."
"Như thể nhớ lại hồi bé?"
"Vâng. Không hẳn là nhớ đến điều gì cụ thể, nhưng em có cảm giác đó."
"Em vẫn chưa nhớ ra được gì à?"
"Chưa. Nhưng dần dần em đã có cảm giác em là vợ anh và là mẹ của Yuji."
"Em có buồn không ? Vì không còn trí nhớ?"
"Em hơi thất vọng, nhưng không vội. Cần phải kiên nhẫn."
"Nếu vậy thì tốt."
Mio giơ chân đá văng hòn sỏi bên vệ đưòng. Dù đã mất trí nhớ nhưng những hành động vô thức của nàng vẫn còn nguyên như xưa.
"Em." Mio nói, "đã rất hạnh phúc."
"Thế à?"
"Vâng. Vì em đã gắn bó với người đầu tiên em yêu, có được cậu con trai dễ thương, và đến giờ cả gia đình mình vẫn đang sống hạnh phúc."
Em có hạnh phúc không?
Anh tự hỏi mình.
Em đã cưới một người đủ thứ bệnh như anh, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi tại thị trấn nhỏ bé này trong khi chưa một lần được đi du lịch. Thế mà em vẫn bảo anh rằng em hạnh phúc?
"Còn anh?" Mio hỏi. "Anh có hạnh phúc không? Em có làm cho anh hạnh phúc không?"
"Anh hạnh phúc lắm!" tôi nói. "Rất hạnh phúc."
Tôi là con chim cánh cụt bay trên trời.
Nhờ có nàng dẫn dắt, tôi đã bay cao ngoài sức tưởng tượng.
Suýt chạm được tới các vì sao.
Từ trên cao, mọi thứ xấu xa, bẩn thỉu dưới mặt đất khiến con người phiền não trong chẳng khác gì một tấm thảm tuyệt đẹp.
Đó là hạnh phúc.
Thế rồi nàng biến mất, khiến tôi trở lại đúng là một con chim cánh cụt. Chuyện nàng bỏ đi khiến tôi rất buồn nhưng nàng đã để lại cho tôi một cậu bé có sải cánh dài giống nàng cùng một vùng ký ức trống rỗng.
Tóm lại, vẫn có thể coi tôi là con chim cánh cụt hạnh phúc thi thoảng gặp phải chuyện đau buồn.
"Anh kể tiếp đi." Nàng nói.
Chúng tôi lại nằm thành chữ Xuyên, nhìn lên trần nhà nhuộm ánh sáng màu cam nhạt.
"Ừ," tôi nói. "Anh sẽ kể đến khi em ngủ."
Thật ra, tôi gần như đã quên sạch chuyện hồi đó. Sau này, nhờ Mio kể đi kể lại nhiều lần mà tôi mới có cảm giác đó là ký ức có thật.
Rất kỳ lạ.
Những chuyện ngày xưa Mio kể lại cho tôi khi tôi không còn nhớ thì bây giờ, đến lượt tôi kể lại cho nàng khi nàng đã quên. Đây giống như trò chơi truyền khẩu giữa hai chúng tôi. Sau nhiều lần lặp đi lặp lại, những kỷ niệm biến thành ký ức trong mơ, được thêu dệt lại còn đẹp hơn cả sự thật trong quá khứ. Kỷ niệm là vậy mà.
Trước hết là câu chuyện về lần hẹn hò đầu tiên của hai chúng tôi.
Chúng mình vào một quán giải khát đối diện nhà ga. Anh gọi nước gừng, còn em gọi cà phê đá.
Ba năm, chúng mình hoặc là ngồi cạnh nhau, hoặc là ngồi đằng trước hoặc đằng sau, còn hôm nay, lần đầu tiên chúng mình ngồi đối diện.
Hôm nay cũng là lần đầu tiên anh được nhìn rõ mặt em. Mắt em rất to, dù là mắt một mí. Mũi em cao, môi em mỏng. Em có cả răng khểnh nữa. Mỗi người sẽ có một ấn tượng khác nhau khi nhìn khuôn mặt em.
Còn anh, anh cảm chấy đó là kiểu mặt con gái anh yêu thích từ nhỏ. Tình yêu là vậy đấy.
"Cậu để tóc dài à?" anh nói.
"Ừ. Tất cả mọi người trong đội thể dục nhịp điệu đều để tóc như vậy."
Mọi người đều búi cóc cao. Em bảo anh.
"Nhìn cậu thật khác."
"Vậy ư?"
"Ừ, trông rất người lớn."
Aio cũng thế. Em bảo.
"Tớ cũng thấy cậu người lớn hẳn lên."
"Cậu cao lên à?" em hỏi.
"Ừ, một chút."
"Giờ cậu cao bao nhiêu?"
"Khoảng một mét bảy bảy. Vận động viên điền kinh cự ly trung bình cần phải cao hơn nữa."
"Nhìn cậu có vẻ cao hơn thế."
"Chắc tại tớ đi giày."
Hồi cấp III, chúng mình chỉ gặp nhau ở lớp học. Nghĩa là chỉ những khi đi dép trong nhà. Đã thế anh còn chuyên đi đôi giày đánh bowling vứt trong phòng tập thể thao nữa chứ.
Đôi giày này vốn do một anh học trước mượn từ sân bowling cạnh trường rồi không trả. Giày màu trắng, mũi và gót màu xanh lam. Trên giày có thêu số "61" màu tím đỏ. Anh đi đôi giày ấy suốt cả ba năm học
Hôm nay là lần đầu tiên chúng mình gặp nhau với đôi giày có cổ và có gót. Cũng phải nói thêm, hôm nay cũng là lần đầu tiên anh thấy em mặc chiếc váy liền màu đỏ sẫm. Lần đầu tiên anh thấy em tô son. Lần đầu tiên anh thấy mái tóc em đung đưa mỗi lần em nghiêng đầu, lần đầu tiên anh cảm thấy bồn chồn không yên khi nói chuyện với em.
Tất cả đều là lần đầu tiên, đến nỗi mà khó tìm được một thứ không phải lần đầu tiên.
Chúng mình ở trong quán suốt năm tiếng đồng hồ. Thật không thể tin nổi.
Không hiểu chúng mình đã nói những chuyện gì?
Chúng mình đều muốn biết thêm về người kia.
Chúng mình đều là người nghiêm túc nên tìm hiểu nhau là bước không thể thiếu trước khi tiến tới tình yêu.
Không được phép nắm tay khi chưa biết gì về nhau. Tên bố mẹ người yêu còn chưa biết, thế mà đã khoác tay thì còn ra thể thống gì. Phải biết người kia đi giày số mấy, cỡ quần áo bao nhiêu, mấy tháng biết đi, lặn được bao lâu dưới nước... rồi mới tiến tới giai đoạn tiếp theo được.
Tìm hiểu nhau là bước rất quan trọng. Đó là mong muốn biết thêm về nhau, cũng như mong muốn người kia biết con người thật của minh. Có thể suy nghĩ của chúng mình hơi đặc biệt, nhưng chúng mình đã chọn cách đến với nhau thận trọng như vậy.
Do đó, việc chuyện trò cùng nhau thật cần thiết. Chúng mình đã chuyện trò suốt cả năm tiếng nhưng chưa chạm được vào ngón út của nhau. Tình hình này không biết phải nói chuyện bao lâu mới tới được đám cưới đây? (Tuy lúc ấy, anh mới mười tám và em là người đầu tiên anh hẹn hò chính thức nhưng anh cũng đã tính chuyện cưới xin rồi. Anh nghĩ yêu nhau là phải như vậy.)
Anh cũng hiểu, tuy chỉ mang máng, rằng ngay cả giai đoạn hôn thôi cũng cần phải có thời gian. Anh không vội, hơn nữa, em là người sẽ sống cùng anh cả đời nên vẫn còn khối thời gian. Ít ra thì chúng mình đã mất ba năm mới hẹn hò nhau lần đầu, kể từ sau lần nói chuyện đầu tiên. Cho nên, muốn tiến tới được giai đoạn hôn thì cũng phải mất thêm ba năm nữa.
Anh đã nghĩ vậy.
Trong lần trò chuyện năm tiếng này, chúng mình đã tiến gần đến đoạn hôn nhau.
(Không biết lúc hôn, cái răng khểnh của em có bị vướng không?)
Anh đã nghĩ thế lúc nhìn vào môi em.
Trời tối, chúng mình phải về.
Giờ nhìn lại có thể nói lần hẹn hò này là bước mở đầu cho giai đoạn tiếp theo, nhưng thú thật với em là khi ấy, anh không đủ tự tin để nghĩ vậy. Nhiệm vụ trước mắt của anh là phải hẹn cho được em lần sau chứ không phải cái chuyện hôn hay cưới em.
Ra khỏi cửa hàng, chúng mình mua vé ở ga. Lúc này, cuộc hẹn sau vẫn chưa được nhắc tới. Chúng mình qua cửa soát vé, bước xuống sân ga. Năm phút nữa tàu anh sẽ đến, sau đó hai phút là tàu của em. Thế mà anh vẫn cứ say sưa kể cho em chuyện chăm con của loài cánh cụt hoàng đế.
(Anh không nhớ tại sao chúng mình lại nói chuyện này nhưng anh rất am hiểu chuyện chăm con của chim cánh cụt hoàng đế. Anh sẽ kể cho em nghe sau.)
Em lắng nghe rất chăm chú, trong khi lòng anh như đang có lửa đốt. Xe điện sắp tới rồi. Và xe điện tới thật.
"À..." anh nói. "Tớ đến Ekinoda xong rồi mới về. Tớ sẽ đợi chuyến sau."
Xe điện của em tới.
"Ồ..." em nói. "Chuyến sau vẫn kịp."
Em phải về ký túc trước sáu giờ. (Giờ giới nghiêm của trường nữ là sáu giờ tối! Thế này thì anh làm sao rủ em đi xem pháo hoa được.)
Chúng mình có thêm được bảy phút, nhưng bảy phút đó cũng trôi vèo trong nháy mắt. Giả sử có thêm ba mươi ngày nữa thì cũng chẳng thay đổi được gì. Quyết định luôn rơi vào những giây cuối cùng.
Xe điện của em tới, cửa xe mở, hành khách bắt đầu bước lên. Em đi theo sau họ. Em ngoảnh lại mỉm cười với anh. Mãi tới lúc đó anh mới thốt lên.
"Lần tới bọn mình gặp nhau nhé?"
Còi tàu vang lên, em nói:
"Tớ phải quay về ký túc xá rồi."
Em hét lên thật to để át tiếng còi tàu:
"Tớ sẽ viết thư cho cậu."
Cửa xe điện đóng lại.
"À, thế hả?"
Anh nói với con tàu đang chuẩn bị rời ga.
Nhưng không sao, đây chưa phải là hồi kết. Mở đầu và kết thúc chỉ khác nhau như cửa vào và cửa ra. Có cửa vào nghĩa là có thứ gì đó ở bên trong. Thứ đó hẳn sẽ rất tuyệt vời
Khi ấy, anh đã nghĩ như vậy.
Một tuần sau, thư của em đến. Anh viết thư trả lời em ngay ngày hôm sau. Khoảng một tuần sau nữa lại có thư của em. Lần này, anh để cách ba ngày mới viết cho em.
Đấy là nhịp độ tiến tới của chúng ta.
Những người cuồng nhiệt nhìn chúng ta hẳn sẽ thất vọng lắm, nhưng đó là mức độ vừa phải với cả hai. Tình yêu giữa hai con người nghiêm túc, chậm dậy thì tiến triển một cách lặng lẽ, chậm rãi và khiêm tốn. Trong thời buổi hỗn độn này, đây quả là một việc xa xỉ.
Ký túc xá của em ở Setagaya có đúng một chiếc điện thoại. Cổng ký túc cũng có bốt điện thoại công cộng nhưng bọn em không được phép ra ngoài sau giờ giới nghiêm. Thời ấy, điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ, như giả sử có phổ biến thì chưa chắc chúng mình đã dùng.
Chúng mình không thích điện thoại.
Điện thoại là thứ vô duyên, kênh kiệu và hung hãn. Chúng kết nối chúng ta với những người vô duyên, kênh kiệu và hung hãn. Đó là nhân viên tiếp thị, người vận động bầu cử, hoặc một người bạn chẳng mấy thân thiết gọi điện nhờ điểm danh hộ. Điện thoại và mấy người đó có mức độ tương thích rất cao.
Đến cả câu nói đầu tiên phát qua điện thoại cũng thuộc loại kênh kiệu.
"Watson, đến đây ngay!" (Tất nhiên, đây là cân nói của Graham Bell.)
Câu nói đã ám chỉ đến tính cách của điện thoại sau này.
Tóm lại, chúng mình thích liên lạc với nhau qua thư hơn là điện thoại.
Chữ em đẹp ghê. Nét chữ của một học sinh xuất sắc, xinh xắn, mảnh mai với phần đuôi chữ hơi run run làm anh liên tưởng tới giọng nói của em.
Việc này khiến anh hơi xấu hổ. Vì chữ anh xấu đến mức khó tin.
Cho anh thanh minh một chút là việc này bắt nguồn từ suy nghĩ bảo thủ của bố mẹ. Hồi nhỏ, anh bị bố mẹ bắt sửa thói quen thuận tay trái. Vì tin vào một cái thống kê vớ vẩn nào đó rằng ai thuận tay trái sẽ chết sớm nên bố mẹ anh đã dùng dây trói tay trái của anh lại. Chẳng còn cách nào khác, anh đành phải dùng tay phải vốn đã vụng về để cầm đũa, ném bóng, viết chữ... Cánh tay trái sau thời gian bị cấm đoán trở nên rụt rè hơn, không nhanh nhẹn như trước nữa. Giờ thì anh viết tay nào cũng xấu như nhau.
Hình như em vẫn giữ thư của anh đấy nhưng anh không muốn em đọc lại đâu.
"Thư của em còn ở đây chứ?" Mio hỏi.
"Còn. Sau khi cưới, anh có mang theo."
"Em muốn đọc lại. Không biết trong thư viết gì."
"Mấy chuyện thường nhật thôi, việc luyện tập ở câu lạc bộ, ước mơ sau này."
"Ước mơ sau này?"
"Ừ."
"Tốt nghiệp xong em có đi làm đúng không?"
"Ừ. Em học cao đẳng nên hai mươi tuổi em đã đi làm mà."
"Em chọn nghề gì ? Đúng như em mơ ước không?"
"Có. Em đã chọn đúng nghề em mơ ước."
"Nghề gì ? Em rất muốn biết. Kể cho em đi."
"Em.." tôi nói. "Em trở thành giáo viên dạy nhảy tại câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ."
"Dạy nhảy?"
"Ừ. Nhảy Aerobic."
"Em?"
"Ừ, em."
"Không thể tin nổi."
"Công nhận."
Nhưng.., tôi nói.
"Em học thể dục nhịp điệu cả cấp III và cao đẳng nên việc này không có gì là xa vời cả."
"À, vâng. Em tập thể dục nhịp điệu mà."
"Ừ. Em thích nhảy. Em cũng thích làm giáo viên nữa. Vì vậy em đã chọn cách đem niềm vui nhảy múa đến cho mọi người."
"Em có cảm giác mình làm giáo viên thì hợp hơn." "Em có bằng sư phạm đấy. Nhưng cuối cùng em đã chọn dạy nhảy."
"Em làm giáo viên dạy nhảy cho đến khi lấy anh?
"Đến khi em mang bầu Yuji. Đúng ra là em phát hiện mình mang bầu hơi muộn nên lúc đó em mới nghỉ."
Mio thở dài.
"Cuộc đời của em." Nàng nói, mắt vẫn nhìn lên trần nhà nhuộm ánh đèn máu cam. "Tự nhiên..."
"Sao cơ?"
"Tự nhiên em có cảm giác mình làm được quá nhiều. Theo em hiểu em chỉ là một học sinh trầm tĩnh và nghiêm túc."
"Ừ."
"Vì vậy em hình dung một người như em sẽ có cách sống bình dị và đơn giản hơn."
"À, cũng có thể."
"Đúng không? Em chọn nghề không phải vì thích hay ghét, mà vì nghề đó ổn định, có chút danh tiếng, làm một nhân viên văn phòng bình thường thôi cũng đủ làm em mãn nguyện. Em cảm giác đó mới chính là em."
"Ừ."
"Em lấy chồng cũng không phải xuất phát từ tình yêu mà là do một người họ hàng nào đó giới thiệu, và em cũng thấy hài lòng với một cuộc đời như vậy. Giả sử anh kể cho em một câu chuyện kiểu đó em cũng sẽ gật đầu đồng ý."
"Anh hiểu" tôi nói. "Em vẫn nói mà. Rằng em đã cố quá sức mình. Người như em chỉ chọn con đường an toàn, thế mà chẳng biết từ lúc nào, em lại nhắm mắt, chạy hết tốc lực qua cây cầu không có tay vịn."
"Vậy ư?"
"Ừ. Em giỏi lắm."
"Giỏi?"
"Em đã lấy một người như anh. Riêng quyết định này đã là quá giỏi rồi."
"Nhưng mà..."
"Anh bảo sẽ kể sau cho em. Về những vấn đề của anh."
"Nếu tính cả chuyện này thì cách sống của em không hề bình dị và đơn giản chút nào."
"Thế sao?"
"Chuyện đó thì..."
"Anh kể đi."
"Để mai nhé."
"Trời!"
"Mai đi."
"Anh đã kể đến đoạn này rồi cơ mà?"
"Ừ. Nhưng kể tiếp thì dài lắm."
"Nhưng mà."
"Anh mà không ngủ sớm thì mai không làm việc nổi đâu."
"Mới có mười rưỡi."
"Với anh là nửa đêm rồi đ
"Thật sao?"
"Ừ. Chúc em ngủ ngon."
"Chúc anh ngủ ngon."
"Anh ngủ thật à?"
"Thật."
"Nhưng mà..."
"Ngủ ngon nhé."
"Chúc anh ngủ ngon."
"Thế hả?"
Thí hả?
"Yuji nói mê đấy. Em đừng để ý. Ngủ đi nhé."
"Chúc anh ngủ ngon."
"Thế hả?"