Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 14
Lão chủ nhà đi được 1 lúc thì Đinh đến. Lẽ dĩ nhiên là tôi phải báo cáo lại cho Đinh để xin phương án chỉ đạo. Tôi cứ nghĩ Đinh cũng sẽ bất ngờ như tôi về việc này, vì Đinh cũng mới về công ty, mấy cái sự vụ này là công việc của phòng hành chính, tôi còn lơ tơ mơ thì làm sao Đinh nắm được. Nhưng trái lại, Đinh tỏ thái độ bình thường như cân đường hộp sữa, lão bảo tôi: Mày đi gặp lão ấy thương lượng, làm thế nào thì làm những nhất định không được cho lão ấy đòi nhà, trụ sở công ty còn chưa xây xong, rồi bao nhiêu chuyện đang xảy ra, giờ lão ấy đòi lại là rối tung hết lên.
Tôi: Nhưng thương lượng xuông hả anh. Lão ấy đòi bồi thường mà. Ít nhất thì anh cũng cho em xin cái hạn mức để nói chuyện với lão ấy chứ.
Đinh: Ờ, thằng già ấy theo đóm ăn tàn , định làm tiền ấy mà. Cùng lắm thì đền cho lão ấy 2 tháng tiền thuê thôi. Mày muốn làm gì thì làm. Nếu hơn thì bỏ tiền ra mà bù vào.
Đờ mờ, lão Đinh này khôn vãi lúa, cái việc đi thương lượng đàm phán này vốn dĩ thuộc về lão Trịnh giám đốc, không thì chí ít cũng phải là trưởng phòng tổ chức hành chính. Giờ tự nhiên đùn đẩy trách nhiệm cho tôi. Gặp cái lão gù ấy vốn dĩ đã là một cực hình, giờ lại còn bắt đàm phán với thương lượng.
Nhưng thôi, phận con sâu cái kiến trong công ty, lại đang đeo cái án treo ở trên đầu, tôi làm sao dám bật lão ấy. Phải ngoan ngoãn nghe lời thôi chứ sao giờ.
…………………….
Nhà lão gù kia ở ngay bên kia cánh đồng theo đường chim bay, nhưng theo đường chuột chạy thi vô cùng zich zắc. Mặc dù đứng ở công ty tôi có thể nhìn thấy thấp thoáng nhà lão ấy nhưng Công ty tôi nằm ngoài làng, còn nhà lão thì nằm sâu trong làng. Tôi thì chưa bao giờ vào làng nên đành phải tìm hoa tiêu đi cùng. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là em Linh. Một phần vì tôi cũng chỉ biết mỗi em ấy là người trong làng, nhưng phần nhiều là có một số chuyện liên quan đến em ấy mà tôi muốn biết … Không. Phải nói là, em ấy biết nhiều chuyện mà tôi muốn biết mới đúng.
…………..
Chuyện nhờ em Linh tôi muốn dấu Tâm nên đành nói Phú lỉnh gọi điện nhờ em ấy hộ. May mắn là em ấy nhận lời ngay. Dù sao cũng là gái quê, tốt bụng lắm.
Hôm sau, như đã hẹn, Linh đợi tôi ở đầu đường, lối rẽ vào công ty, tôi mượn xe Phú lỉnh qua chở em ấy vào trong làng. Lúc đó cũng khoảng chiều muộn, đường vào làng mờ mịt vằng vẻ, thật hợp với những chuyện tôi định hỏi Linh.
Tôi: Này, đợt trước thấy em bảo là công ty anh có người chết. Là như nào đấy, em có biết rõ không.
Linh: Sao lại không biết, chuyện đó cả làng em ai cũng biết. Mà mới xảy ra cách đây có 2 năm thôi.
Tôi: Thế em có biết đứa đấy không. Mà sao nó lại tự tử.
Linh: Người cùng làng thì biết nhau hết mà anh. Nhưng riêng với người nhà đấy, bảo là biết nó khó lắm. Cùng làng, mà cũng sàn sàn tuổi nhau nhưng số lần em nhìn thấy mặt nó chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi: Sao lạ vậy, ví dụ không chơi với nhau thì chắc ngày xưa đi học cũng phải gặp nhau chứ. Làng em chắc cũng chỉ có 1 trường cấp 1, cấp 2 thôi.
Linh: Vâng, nhưng nó có được đi học đâu.
Tôi: Không được đi học. Thời buổi này mà còn có người không được đi học á.
Linh: Đã bảo nhà đấy nó dị mà. Tất cả cũng từ lão gù ấy mà ra.
Tôi: Lão gù ấy làm sao. Anh tiếp xúc cũng thấy sờ sợ. Nhưng lão ấy nói chuyện có vẻ cũng lịch sự mà.
Linh: ôi xời, cả làng em tránh lão ấy như tránh hủi ấy. Mà bà em bảo đúng là nhà lão ấy có cái mả hủi. Ngày xưa mẹ lão ấy chết vì hủi mà.
Tôi cười đọc mấy đoạn tuyên truyền trên băng rôn áp phích trêu: Bênh phong hay còn gọi là bệnh hủi, bệnh này không lây qua đường tiếp xúc … người dân không nên kỳ thị hắt hủi với người bị bệnh phong để họ sớm hoà nhập với cộng đồng.
Linh cũng cười sằng sặc, đoạn nó nói: Thực ra làng em có tránh lão ấy vì bệnh hủi đâu, ngày xưa thời ông bà em thôi. Còn phải có lý do khác thì người làng mới sợ ông ấy.
Tôi: Lý do gì ?
Linh: Bà em kể ngày xưa nhà lão gù nghèo rớt mùng tơi, mẹ lão ấy không chồng mà chửa nên bị ông bà lão ấy từ, đuổi ra sống ở ngoài làng. Chính là cãi gò chỗ công ty anh bây giờ đấy. Mẹ lão ấy chết năm lão ấy mới 7,8 tuổi. Ông bà ngoại lão ấy từ không nhận nuôi nên lão ấy sống lăn lóc 1 mình .nhưng người làng cũng không kỳ thị. Họ vẫn thuê lão ấy làm ruộng, lão ấy gù nên cấy với gặt lúa nhanh lắm. Thỉnh thoảng người làng còn cho tiền với đồ ăn nữa. Sau lớn, lão ấy theo thanh niên trong làng lên Quảng Ninh làm than thổ phỉ. Biệt tăm biệt tích cỡ độ hơn chục năm thì lão ấy về làng dẫn theo 1 cô vợ xinh như mộng. Nhưng từ khi về lão ấy tự tách biệt với mọi người trong làng. Không biết lấy tiền đâu ra mà lão ấy xây cái nhà to vật vã. Bà em bảo, hồi đó cái nhà của lão phải to nhất huyện thậm chí nhất tỉnh ấy.
Tôi hỏi lại: Chính là cái nhà bây giờ công ty anh làm trụ sở ấy hả.
Linh: Vâng.
Tôi: Thế thì to thật, cách đây mấy chục năm mà đã xây được cái nhà như vậy. Đến bây giờ trong làng cũng có mấy nhà được như thế đâu.
Linh: Vâng, người làng ghét nhà lão ấy cũng 1 phần bởi ganh tị nhà lão ấy giàu, nhưng chủ yếu là do lão ấy. Từ khi lão ấy về làng là không tiếp xúc với người trong làng luôn. Cả nhà lão ấy cứ ru rú ở quanh khu đất đó. Đợt vợ lão ấy có bầu xong chửa đẻ cũng không thèm lên trạm xá, đẻ ở nhà luôn.
Tôi: Đến mức vậy cơ á. Nhưng không tiếp xúc với người làng thì nhà lão ấy buôn bán kiếm sống kiểu gì.
Linh: Chả ai biết, mọi người nghĩ lão ấy đào được vàng, đủ tiền sống đến hết đời nên không thèm làm ăn gì nữa. Nhưng đâu vài năm thì có người lên huyện phát hiện ra là lão ấy nuôi gấu, xong lấy mật bán. Hồi ấy mà có vài trăm triệu đầu tư nuôi gấu là thuộc hạng đại gia ở huyện rồi.
Tôi: Thế giờ lão còn nuôi không. Anh thấy nhà lão có chuồng trại gì đâu nhỉ.
Linh: Em cũng chả biết, nhưng chắc là bán hết rồi. Giờ mật gấu xuống giá, nuôi chả bõ công.
Tôi tiếp tục lân la: Thế vụ con gái lão ấy chết là như nào. Sao mọi người trong làng biết.
Linh: Sao lại không biết. Lão ấy tránh người làng nhưng trên xã họ vẫn phải nắm được nhân khẩu trong làng chứ. Mà em là con gái lão ấy chắc em cũng tự tử. Suốt ngày bị nhốt ở trong nhà, không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Hồi bé đi chăn trâu ra khu gò nhà lão ấy, em có gặp nó 1 lần. Nó giống mẹ, xinh lắm, nhưng ít tiếp xúc với người ngoài nên chắc trí não có vấn đề hay sao ấy. Nhìn thấy em nó cứ ngơ ngơ xong lẩn vào trong nhà.
Tôi đang định hỏi thêm về cái đêm hôm Dung chết thì Linh nó đã đập lưng bảo: Nhà lão ấy kia rồi, anh vào đi, em đứng ngoài này đợi thôi.
……………………..
Nhìn theo tay Linh chỉ tôi hơi bất ngờ, không nghĩ lão gù lại có thể sông ở nơi xập xệ như thế này. Đấy không phải là nhà, mà chỉ là 1 cái túp lều rách nát. Tường được chát bằng đất mái lợp tranh làm tôi nghĩ đến nhà chị Dậu, kiểu nhà này hồi bé tí tôi đã từng thấy ở quê, nhưng cũng chỉ mấy nhà nghèo lắm mới có. Chứ thời buổi bây giờ, nhà nghèo lắm thì cũng phải xây được cái nhà gạch với lợp mái ngói chứ.
Có điều cái lều rách nát ấy lại ngự trên một thửa đất rất to, sau lưng là cánh đồng xung quanh là vườn cây um tùm. Không khí nơi đây khiến cho tôi cảm thấy hoang vu lạnh lẽo, chỉ muốn quay lưng bỏ chạy.
Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn chậm rãi từng bước tiến vào...