Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 1
Cuốn tiểu thuyết này thành kính tưởng nhớ ông Kim Ngọc,
nguyên bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Cuốn tiểu thuyết này không phải là một sự hư cấu thuần túy văn học. Ở đây, tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật.
Sự kiện đó là khoán trong nông nghiệp Việt Nam – một vấn đề và cũng là một sự thách đố có ý nghĩa sinh tử đối với số phận nền kinh tế Việt Nam.
Người anh hùng đó là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – cha đẻ của mô hình khoán. Cũng như trong mọi sự sinh nở, ông đã trải qua những thai nghén, mang nặng, đẻ đau. Rồi cũng như không ít bậc cha mẹ, ông đã không sống đủ lâu để nhìn thấy “đứa con” của mình sống sót, trưởng thành, phát triển…
Mọi cuốn tiểu thuyết, dù viết về vấn đề gì, đều có cốt lõi là những thắt nút, mâu thuẫn, và cởi nút, giải quyết mâu thuẫn. Có những loại mâu thuẫn là sự xung đột giữa cái ác và cái thiện. Nhưng mâu thuẫn mà cuốn tiểu thuyết này đề cập tới, cũng là mâu thuẫn đã diễn ra trong thực tế lịch sử kinh tế Việt Nam, lại là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện.
Tập thể hóa nông nghiệp là một ý tưởng thánh thiện. Nó ra đời ở Liên Xô với Lê-nin vào đầu thế kỷ XX. Lê-nin đã từng nghĩ rằng “nền sản xuất tiểu nông từng ngày từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”. Vào thời đại đó thì chủ nghĩa tư bản bị coi là nguyên nhân của rất nhiều tai ương chướng họa, mà cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất là một bằng chứng hùng hồn, rồi cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1930 là một bằng chứng không kém phần tiêu biểu nữa. Nhưng chỉ vài năm sau khi thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp ở một số nơi, chính Lê-nin đã nhận thấy cách tập thể hóa như đã làm ở Liên Xô là không ổn. Thậm chí, theo Lê-nin, Nhiệt tình cách mạng + Dốt nát = Phá hoại. Ở Lê-nin lại xuất hiện một ý tưởng thánh thiện khác. Ông đã nói với những người cộng sản phụ trách nông nghiệp rằng: “Không được làm cho nông dân bất bình bằng cách biến công cuộc hợp tác hóa thành một trò chơi ngu ngốc của các anh…[1] Hãy để cho nông dân được tự do sản xuất và đem bán những sản phẩm của họ…[2]”
Sau khi Lê-nin qua đời, những người kế tục ông lại trở về với quan niệm rằng muốn phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nông dân phải tiến hành tập thể hóa. Thậm chí, nếu nông dân vì lạc hậu mà chưa thấy được đấy là lợi ích của chính mình thì phải cưỡng bức họ. Công cuộc tập thể hóa đã được hoàn thành vào năm 1932. Ngay sau đó, nông nghiệp sa sút chưa từng thấy. Toàn Liên bang Xô-viết thiếu ăn. Chính người sản xuất ra lương thực lại là những người chết đói trước tiên (vài triệu người). Đến cơ sự này thì sự thánh thiện bị đặt trước những chất vấn của cuộc sống – đúng ra là của hàng triệu cái chết: Sửa đổi đi hay tiếp tục áp đặt? Stalin đã chọn đáp án thứ hai. Đất nước tiếp tục rơi vào một vòng xoáy của những khủng hoảng, nhưng được giữ kín như bưng. Đến đây thì sự thánh thiện đã bị thay thế bằng lợi ích của quyền uy. Đây không còn là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện nữa, mà là xung đột giữa cái thiện với quyền uy, giữa cái đúng của nhận thức bất lực với cái sai được che chắn bởi quyền lực. Hai mươi năm sau, kịch bản đó lại diễn ra ở Trung Quốc, cũng bắt đầu từ những ý tưởng thánh thiện, rồi bị trả giá bằng những thảm họa của Công xã nhân dân và Đại tiến vọt (cũng vài chục triệu người chết). Thảm họa này lại đánh thức nhiều bộ óc thánh thiện đi tìm cái đúng. Nhưng cái sai đầy quyền uy đã tự vệ bằng những phong trào Cách mạng văn hóa, Chống phái hữu… Phải hơn 20 năm sau, cái đúng mới mở được đường đi, và cũng chỉ có thể đi sau những cỗ quan tài của quyền lực cũ…
Kịch bản của Việt Nam có nhiều nét khác so với hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa khác. Hợp tác hóa đương nhiên cũng xuất phát từ những ý tưởng thánh thiện muốn cứu nông dân, cứu nông nghiệp, cứu đất nước khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. Nó được nhận thức như một món ăn thịnh soạn mà chế độ mới đem đến cho nông dân. Nhưng ngay khi mới “nấu” xong, món ăn này đã tỏ ra khó nuốt nổi. Song những người chuẩn bị món ăn này lại không phải là những người trực tiếp thưởng thức, nên họ không cảm nhận được sự khó nuốt. Cũng có kẻ thì vì nể nang mà cố nuốt. Nhưng cũng có người, ban đầu là số ít, đã đi từ nghi ngờ đến khẳng định: Món ăn này nấu hỏng rồi, phải nấu lại. Trên mâm cơm cơ chế của nông nghiệp thì người đầu tiên đã dừng đũa và tuyên bố như vậy chính là Kim Ngọc.
Thực hiện lời tuyên bố đó, ông đã cùng toàn tỉnh nấu lại món ăn này, đó là Khoán hộ. Món Khoán hộ được bà con nông dân tấm tắc khen ngon. Nhưng với một vài người thì vấn đề không còn là chuyện ngon hay không ngon, vì họ đâu có phải trực tiếp ăn món này? Với họ vấn đề là uy tín của nhà bếp. Họ tuyên bố rằng món ăn đó dù có ngon thì cũng có nhiều chất độc hại gây chết người. Vì thế, nhà bếp không được tiếp tục nấu món ăn đó nữa.
Trong trường hợp này, Kim Ngọc đã hành xử giống như Galileo Galilei: Một mặt, vì tinh thần chấp hành, ông buộc phải khước từ cái đúng của mình trong hành động, nhưng mặt khác ông vẫn giữ vững niềm tin về cái đúng của mình trong tư duy.
Trong tư duy của Kim Ngọc thì “quả đất” khoán vẫn quay. Nhưng khác với tình hình ở Liên Xô và Trung Quốc, ở Việt Nam nhiều người trong Đảng lại bày tỏ sự đồng tình với ông.
Rồi phải mất 21 năm sau (từ 1968 đến 1988), khi Kim Ngọc không còn trên trái đất này nữa, “quả đất” khoán của ông mới quay trong cuộc sống.
Điều trớ trêu và đáng tiếc đó hình như vẫn là nhịp đi thường tình của phát triển. Vì thế hình như số phận của phần lớn các nhà cải cách đều giống nhau: cô đơn và hẩm hiu với những phát hiện của mình, bất lực trước sự phủ định của cái cũ còn đại diện cho đa số, âm thầm ấp ủ niềm tin là mình đúng, đến khi cái đúng được đời công nhận và tôn vinh thì cỏ đã mọc xanh trên mồ của mình. Cũng vì thế, khi tác giả bài giới thiệu này viết xong cuốn sách về “Phá rào trong kinh tế”, mà Khoán Kim Ngọc được nói tới đầu tiên, đã tới thắp một nén hương trên bàn thờ của ông và thầm đọc tặng ông hai câu thơ:
Dẫu cho như thế là thiên cổ
Nghĩa sĩ mỉm cười dưới cỏ khâu.
Giáo sư kinh tế Đặng Phong
Chú thích:
[1] Thư gửi cho Molotov để chuyển cho toàn thể Bộ Chính trị. Lê-nin toàn tập, tập 45, tr. 53.
[2] Báo cáo tại Đại hội IX Đảng Cộng sản Nga, như trên, tr. 143.
nguyên bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Cuốn tiểu thuyết này không phải là một sự hư cấu thuần túy văn học. Ở đây, tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật.
Sự kiện đó là khoán trong nông nghiệp Việt Nam – một vấn đề và cũng là một sự thách đố có ý nghĩa sinh tử đối với số phận nền kinh tế Việt Nam.
Người anh hùng đó là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – cha đẻ của mô hình khoán. Cũng như trong mọi sự sinh nở, ông đã trải qua những thai nghén, mang nặng, đẻ đau. Rồi cũng như không ít bậc cha mẹ, ông đã không sống đủ lâu để nhìn thấy “đứa con” của mình sống sót, trưởng thành, phát triển…
Mọi cuốn tiểu thuyết, dù viết về vấn đề gì, đều có cốt lõi là những thắt nút, mâu thuẫn, và cởi nút, giải quyết mâu thuẫn. Có những loại mâu thuẫn là sự xung đột giữa cái ác và cái thiện. Nhưng mâu thuẫn mà cuốn tiểu thuyết này đề cập tới, cũng là mâu thuẫn đã diễn ra trong thực tế lịch sử kinh tế Việt Nam, lại là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện.
Tập thể hóa nông nghiệp là một ý tưởng thánh thiện. Nó ra đời ở Liên Xô với Lê-nin vào đầu thế kỷ XX. Lê-nin đã từng nghĩ rằng “nền sản xuất tiểu nông từng ngày từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”. Vào thời đại đó thì chủ nghĩa tư bản bị coi là nguyên nhân của rất nhiều tai ương chướng họa, mà cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất là một bằng chứng hùng hồn, rồi cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1930 là một bằng chứng không kém phần tiêu biểu nữa. Nhưng chỉ vài năm sau khi thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp ở một số nơi, chính Lê-nin đã nhận thấy cách tập thể hóa như đã làm ở Liên Xô là không ổn. Thậm chí, theo Lê-nin, Nhiệt tình cách mạng + Dốt nát = Phá hoại. Ở Lê-nin lại xuất hiện một ý tưởng thánh thiện khác. Ông đã nói với những người cộng sản phụ trách nông nghiệp rằng: “Không được làm cho nông dân bất bình bằng cách biến công cuộc hợp tác hóa thành một trò chơi ngu ngốc của các anh…[1] Hãy để cho nông dân được tự do sản xuất và đem bán những sản phẩm của họ…[2]”
Sau khi Lê-nin qua đời, những người kế tục ông lại trở về với quan niệm rằng muốn phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nông dân phải tiến hành tập thể hóa. Thậm chí, nếu nông dân vì lạc hậu mà chưa thấy được đấy là lợi ích của chính mình thì phải cưỡng bức họ. Công cuộc tập thể hóa đã được hoàn thành vào năm 1932. Ngay sau đó, nông nghiệp sa sút chưa từng thấy. Toàn Liên bang Xô-viết thiếu ăn. Chính người sản xuất ra lương thực lại là những người chết đói trước tiên (vài triệu người). Đến cơ sự này thì sự thánh thiện bị đặt trước những chất vấn của cuộc sống – đúng ra là của hàng triệu cái chết: Sửa đổi đi hay tiếp tục áp đặt? Stalin đã chọn đáp án thứ hai. Đất nước tiếp tục rơi vào một vòng xoáy của những khủng hoảng, nhưng được giữ kín như bưng. Đến đây thì sự thánh thiện đã bị thay thế bằng lợi ích của quyền uy. Đây không còn là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện nữa, mà là xung đột giữa cái thiện với quyền uy, giữa cái đúng của nhận thức bất lực với cái sai được che chắn bởi quyền lực. Hai mươi năm sau, kịch bản đó lại diễn ra ở Trung Quốc, cũng bắt đầu từ những ý tưởng thánh thiện, rồi bị trả giá bằng những thảm họa của Công xã nhân dân và Đại tiến vọt (cũng vài chục triệu người chết). Thảm họa này lại đánh thức nhiều bộ óc thánh thiện đi tìm cái đúng. Nhưng cái sai đầy quyền uy đã tự vệ bằng những phong trào Cách mạng văn hóa, Chống phái hữu… Phải hơn 20 năm sau, cái đúng mới mở được đường đi, và cũng chỉ có thể đi sau những cỗ quan tài của quyền lực cũ…
Kịch bản của Việt Nam có nhiều nét khác so với hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa khác. Hợp tác hóa đương nhiên cũng xuất phát từ những ý tưởng thánh thiện muốn cứu nông dân, cứu nông nghiệp, cứu đất nước khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. Nó được nhận thức như một món ăn thịnh soạn mà chế độ mới đem đến cho nông dân. Nhưng ngay khi mới “nấu” xong, món ăn này đã tỏ ra khó nuốt nổi. Song những người chuẩn bị món ăn này lại không phải là những người trực tiếp thưởng thức, nên họ không cảm nhận được sự khó nuốt. Cũng có kẻ thì vì nể nang mà cố nuốt. Nhưng cũng có người, ban đầu là số ít, đã đi từ nghi ngờ đến khẳng định: Món ăn này nấu hỏng rồi, phải nấu lại. Trên mâm cơm cơ chế của nông nghiệp thì người đầu tiên đã dừng đũa và tuyên bố như vậy chính là Kim Ngọc.
Thực hiện lời tuyên bố đó, ông đã cùng toàn tỉnh nấu lại món ăn này, đó là Khoán hộ. Món Khoán hộ được bà con nông dân tấm tắc khen ngon. Nhưng với một vài người thì vấn đề không còn là chuyện ngon hay không ngon, vì họ đâu có phải trực tiếp ăn món này? Với họ vấn đề là uy tín của nhà bếp. Họ tuyên bố rằng món ăn đó dù có ngon thì cũng có nhiều chất độc hại gây chết người. Vì thế, nhà bếp không được tiếp tục nấu món ăn đó nữa.
Trong trường hợp này, Kim Ngọc đã hành xử giống như Galileo Galilei: Một mặt, vì tinh thần chấp hành, ông buộc phải khước từ cái đúng của mình trong hành động, nhưng mặt khác ông vẫn giữ vững niềm tin về cái đúng của mình trong tư duy.
Trong tư duy của Kim Ngọc thì “quả đất” khoán vẫn quay. Nhưng khác với tình hình ở Liên Xô và Trung Quốc, ở Việt Nam nhiều người trong Đảng lại bày tỏ sự đồng tình với ông.
Rồi phải mất 21 năm sau (từ 1968 đến 1988), khi Kim Ngọc không còn trên trái đất này nữa, “quả đất” khoán của ông mới quay trong cuộc sống.
Điều trớ trêu và đáng tiếc đó hình như vẫn là nhịp đi thường tình của phát triển. Vì thế hình như số phận của phần lớn các nhà cải cách đều giống nhau: cô đơn và hẩm hiu với những phát hiện của mình, bất lực trước sự phủ định của cái cũ còn đại diện cho đa số, âm thầm ấp ủ niềm tin là mình đúng, đến khi cái đúng được đời công nhận và tôn vinh thì cỏ đã mọc xanh trên mồ của mình. Cũng vì thế, khi tác giả bài giới thiệu này viết xong cuốn sách về “Phá rào trong kinh tế”, mà Khoán Kim Ngọc được nói tới đầu tiên, đã tới thắp một nén hương trên bàn thờ của ông và thầm đọc tặng ông hai câu thơ:
Dẫu cho như thế là thiên cổ
Nghĩa sĩ mỉm cười dưới cỏ khâu.
Giáo sư kinh tế Đặng Phong
Chú thích:
[1] Thư gửi cho Molotov để chuyển cho toàn thể Bộ Chính trị. Lê-nin toàn tập, tập 45, tr. 53.
[2] Báo cáo tại Đại hội IX Đảng Cộng sản Nga, như trên, tr. 143.